Facebook Instagram Youtube Google+ Hotline
12
01
Hygge Việt
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023

1. Nguồn gốc cà phê tại Đắk Lắk

Cây cà phê du nhập đến Đắk Lắk kể từ khi người Pháp đang còn cai trị tại Việt Nam.

Nguồn gốc cây cà phê ở Đắk Lắk cũng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TP. Buôn Ma Thuột ngày nay kể từ khi thành lập vào năm 1904.

 Dựa trên những khảo sát thực địa và nghiên cứu khoa học, người Pháp đã chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Arabica và Robusta.

Từ đó họ đã lập ra với những đồn điền rộng lớn. Lực lượng lao động chủ yếu là người các dân tộc thiểu số tại địa phương.

2. Sản lượng cà phê tại Đắk Lắk

Trải qua hơn 100 năm phát triển, cà phê đã trở thành lọai cây chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Những người trồng cà phê đã sáng tạo ra một hệ sinh thái cà phê rất đặc biệt, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị kinh tế lên gấp nhiều lần so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây.

Đắk Lắk hiện có diện tích và sản lượng cà phê Robusta lớn nhất Việt Nam với 213.000 ha. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 557.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.

Cà phê Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia. Hiện nay, Việt Nam là cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.

 

3. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức lần đầu năm 2005

Bắt đầu từ năm 2005, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần đầu tiên được tổ chức.

Đây là một lễ hội lớn nhất ở Tây Nguyên được chính phủ Việt Nam công nhận là lễ hội cấp Quốc gia và được tổ chức định kỳ hai năm một lần.

Qua 07 lần tổ chức, Lễ hội đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

4. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2003 lần thứ 8

Và năm 2023, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ tiếp tục được tổ chức với chủ đề: “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”

Lễ hội nhằm tôn vinh những người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; tôn vinh loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho người dân trong vùng.

Chủ đề của Lễ Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023: “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của Cà phê thế giới”.  Thời gian tổ chức Lễ khai mạc vào lúc 20h00 ngày 10/3/2023, tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột. Lễ Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV5, DRT và tiếp sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột theo định kỳ đã được Chính phủ đồng ý dừng tổ chức 2 lần vào năm 2021, năm 2022 và chuyển sang tổ chức vào năm 2023 (tại Công văn số 4679/VPCP-NN, ngày 13/7/2021). Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Trải qua 07 kỳ tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột không có chủ đề chung, mỗi kỳ có một chủ đề khác nhau. Do đó, nhằm tạo nên một slogan quảng bá rộng rãi, để du khách và Nhân dân nhớ đến Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 lựa chọn 01 chủ đề chung duy nhất cho Lễ hội là “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”. Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội vẫn có chủ đề riêng để định hướng nội dung và hình thức thực hiện.

Những nội dung làm nổi bật chủ đề, những nét mới của Lễ hội lần thứ 8 so với 7 lần trước đây là hình thức thể hiện của Lễ hội theo xu hướng hội nhập quốc tế, hiện đại.

Việc tổ chức Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; Tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Lễ hội cũng là dịp để tỉnh giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk. 

5. Buôn Ma Thuột - Thủ phủ cà phê Việt Nam

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê Việt Nam” nên có một nền văn hóa cà phê rất khác biệt, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc, cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cà phê là một thứ đồ uống rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Bất kể ai đến đây đều muốn được một lần thưởng thức hương vị cà phê đậm chất sở tại.

Đó là một thức uống đặc trưng, được kết tinh từ hồn đất và tình người, khiến ai đến rồi cũng nhớ, cũng say, cũng muốn được hòa mình với những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người trên cao nguyên Đắk Lắk.

Ở Đắk Lắk còn có riêng một con đường mang tên là Đường Sách cà phê và có hẳn một Bảo tàng Thế giới cà phê rộng lớn với hơn 11 ngàn hiện vật được trưng bày. Đây là một công trình biểu tượng cho ngành cà phê Việt Nam và đóng góp cho ngành cà phê thế giới. Nơi đây hội tụ đầy đủ các nền văn minh cà phê của khắp nơi trên thế giới . Chỉ cần đến đây, chúng ta có thể cùng trải nghiệm và tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nguồn gốc và quá trình phát triển của ngành cà phê trên thế giới cũng như của Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột nói riêng.

Tỉnh Đắk Lắk còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh hùng vỹ của núi rừng địa ngàn với bản sắc văn hóa vô cùng phong phú của 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Đặc biệt là những lễ hội văn hóa, những áng sử thi huyền thoại và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó chính là nét tinh hoa được chắt lọc từ ngàn đời, mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột hôm nay đã hội tụ đầy đủ các yếu tố lợi thế, để trở thành đô thị Trung tâm lớn nhất vùng Tây Nguyên. Chủ trương này đã được chính phủ Việt Nam thông qua với những cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đặc thù. Do vậy chính quyền và người dân địa phương hiện cũng đang rất quyết tâm để sớm xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” trong tương lai.

Hygge Việt tổng hợp.

top